» Kiến thức sửa chữa công trình
Kiến thức sửa chữa công trình

CÁC SỰ CỐ THƯỜNG GẶP, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

1. Vết nứt bất kỳ trên tường:

  • Hiện tượng: Các vết nứt nghiêng trên tường là loại vết nứt "khó chịu" nhất và sẽ khó sửa nhất. Thường nó có thể xuất hiện tại nhiều mảng tường, ở nhiều tầng. Quy luật là xuất hiện sát mép sàn, gần các cột và xiên dần vào giữa mảng tường; hoặc xuất hiện ở các góc dưới của bậu cửa sổ, xiên xuống dưới.


  • Nguyên nhân: Nguyên nhân là nhà hay công trình của bạn đã bị lún ít nhiều rồi! Muốn sửa phải chống lún bằng nhiều giải pháp khác nhau, đều có khó khăn và tốn kém. Việc đục rỗng vết nứt, đóng "gông" (đinh đỉa) để "may" vết nứt lại chỉ tạm thời, không hiệu quả; vì không ngăn chặn được nguyên nhân gây ra và sẽ bị nứt lại, có thể là chỗ cũ hay quanh đó.
  • Cách khắc phục: Đối với loại vết nứt này, nếu nặng, ngày càng phát triển, nên tìm đến những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để nhờ sự giúp đỡ cần thiết, chính xác. Lưu ý rằng, việc đầu tiên, chủ nhà, khi phát hiện vết nứt là phải đánh dấu (tốt nhất là bút chì), bằng nét gạch thẳng góc với phương khe nứt, ghi lại ngày tháng và theo dõi qua thời gian, các vết nứt có vượt điểm đánh dấu hay không. Nếu vượt qua, có nghĩa là vết nứt tiếp tục phát triển, cần có biện pháp xử lý đúng mực, đúng bệnh.

2. Sàn gỗ công nghiệp có tiếng cọt kẹt:

  • Hiện tượng: Sàn gỗ công nghiệp dùng lâu ngày khi đi phía trên phát ra tiếng cọt kẹt


  • Nguyên nhân: Nguyên nhân thông thường là do phần đệm của các mảnh ván sàn phía dưới sàn bị lệch nhau
  • Cách khắc phục: Có thể sửa theo 2 cách. Mở sàn nhà từ phía dưới và chỉnh lại những phần nối và giá đỡ ở dưới sàn nhà.
    • Nếu không thể tiếp cận sàn nhà từ phía dưới thì có thể dùng đinh đóng trực tiếp trên sàn. Tuy nhiên, trước khi đóng, nên khoan những lỗ định hướng trước để tránh làm nứt sàn gỗ. Đóng đinh xong thì dùng những loại keo và mạt gỗ để lấp lại lỗ do đinh tạo ra.

3.  Ống dẫn nước của chậu rửa bị tắc:

  • Hiện tượng: Sau một thời gian sử dụng, ống nước của chậu rửa không thể thoát nước hoặc thoát rất chậm, nước đùn ứ lên


  • Nguyên nhân: Đây là việc thường xảy ra do rác thải rơi xuống và đọng lại lâu ngày tại những góc của ống dẫn.
  • Cách khắc phục: Cần nhớ rằng, hoá chất tẩy rửa không giải quyết được vấn đề này, mặt khác, còn có thể làm bỏng tay người dùng hoặc ảnh hưởng tới độ bền của đường ống. Tốt nhất nên đổ đầy nước vào đường ống dẫn nước rồi dùng một que thông tắc thục mạnh nhiều lần.
    • Nên dùng que thông trên nhiều đoạn đường ống để đảm bảo giải quyết triệt để những chỗ tắc. Trước khi thông tắc nhớ tắt hết vòi nước và trong quá trình thông tắc, nên cùng lúc vệ sinh đường ống để tránh các vấn đề mới phát sinh sau này.

4. Sắt, thép bị gỉ/ăn mòn:

  • Hiện tượng: Các kết cấu thép trong nhà như thép chịu lực hệ khung bê tông cốt thép, dây tiếp địa chống sét, cột thu lôi, cọc tiếp địa, các hoa sắt cửa, … bị gỉ, ăn mòn do tác động của môi trường, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn rất nguy hiểm


  • Nguyên nhân: Do sắt thép không được sơn phủ kỹ, tiếp xúc với không khí, nước (đặc biệt là nước mưa) nên bị ôxi hoá mạnh, gây ra hiện tượng gỉ, ăn mòn. Đối với kết cấu chịu lực có thể gây nguy hiểm cho cả căn nhà
  • Cách khắc phục: Biện pháp chống gỉ, ăn mòn tốt nhất là cách ly sắt thép với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
    • Thông dụng nhất là dùng sơn. Đầu tiên là sơn lót chống gỉ. Ta thường dùng một loại sơn chống gỉ trong đó có Dioxit chì nên có màu da cam sẫm. Sau đó mới phun lớp sơn trang trí theo ý các nhà thiết kế. Sơn là để tránh ôxy hoá mà ôxy hoá mạnh nhất là nước mưa.
    • Đối với các kết cấu chịu lực cho khung nhà, tốt nhất vẫn là bao phủ kín bằng bê tông. Bê tông là hỗn hợp trộn bởi xi măng, cát, nước và cốt liệu sỏi đá. Bê tông không chỉ làm gia tăng khả năng chịu nén cho thép mà còn tránh cho thép không bị ôxi hoá. Vì vậy khi đổ bê tông phải lưu ý bao trọn vẹn các thanh cốt thép, không để hở, lộ cốt thép ra ngoài, đầm bê tông phải đúng kỹ thuật, tránh hiện tượng bê tông bị phân tầng, tạo thành các lỗ rỗng trong lòng bê tông để nước có thể thẩm thấu qua, chẳng những gây thấm dột mà còn làm gỉ cốt thép.
    • Đối với các cọc tiếp địa, dây dẫn sét, kim thu sét, phải được mạ kẽm hoặc sơn chống gỉ thật kỹ càng.

5. Cách âm, chông ồn cho nhà:

  • Hiện tượng: Nhà không có khả năng chống ồn, cách âm từ các nguồn âm xung quanh


  • Nguyên nhân: Thông thường khi hai nhà kế cận đã có tường riêng rồi thì tiếng ồn trong sinh hoạt hàng ngày ít truyền qua tường mà hay truyền qua hệ thống cửa và mái, thông qua các phản hồi âm bên ngoài
  • Cách khắc phục: Chống ồn tại tường có thể sử dụng gạch lỗ rỗng, có khả năng cách âm tốt hơn gạch đặc. Nếu có điều kiện xây tường hai lớp, ở giữa là lớp không khí thì đó là điều kiện cách âm lý tưởng nhất. Tường bao ốp ván (trát vữa dày), mặt trong nhà ốp tấm thạch cao dày hoặc lớp xốp vừa có tác dụng cách nhiệt đồng thời lại chống ồn hiệu quả. Các bức tường sát về phía có nguồn âm thanh có thể đặt tủ tường, tủ chứa đồ, tủ sách lớn làm giảm sự truyền âm qua không khí giữa các phòng. Nếu nhà rộng có thể bố trí cửa so le để phân tán luồng âm trước khi sóng âm đến phòng kế cận.
    • Chống ồn tại cửa có thể dùng các joint cao su để bịt kín khe hở, hoặc dùng cửa hai lớp, cửa bằng ván nhân tạo ép mật độ cao (DHF), cửa nhôm kính cách âm. Cần lưu ý các cửa tiếp giáp với bên ngoài đều nên có joint cao su bít kín cac khe tiếp giáp khuôn, cánh và sàn nhà.
    • Chống ồn do nguồn ồn truyền qua mái nhà thì có thể dùng ngói thay cho tôn sẽ ít ồn hơn, hoặc dùng tấm móp trải trên trần và bít kín bằng băng keo. Hoặc dùng tấm thạch cao cách âm cũng là giải pháp hữu hiệu vừa đem lại thẩm mỹ vừa chủ động trong việc bố trí hệ thống kỹ thuật duới mái.
    • Vật liệu này còn có thể làm chủ động trong việc bố trí hệ thống kỹ thuật duới mái. Vật liệu này còn có thể làm dạng tường mỏng ốp bên ngoài tường gạch, vừa giúp cách âm ngang vừa tham gia vào việc trang trí nội thất.
    • Hiện nay, tấm tôn PU mạ kẽm hoặc mạ màu cũng là vật liệu cách âm cách nhiệt khá tốt do cấu tạo có một lớp xốp kẹp giữa hai mặt tôn.
    • Ngoài ra, nên đặt vấn đề cách âm ngay tại nguồn gây ồn, tức là trao đổi với người hàng xóm để các phòng karaoke cách âm.

6. Cửa bị vênh, co ngót, sệ:

  • Hiện tượng: Cửa gỗ dùng lâu năm hay bị sệ cánh, vênh, co ngót gây ra tình trạng rất khó đóng hoặc mở, gây mất thẩm mỹ


  • Nguyên nhân: Sử dụng loại gỗ không tốt, gỗ không được xử lý kỹ, kỹ thuật làm cửa không chuẩn xác, …
  • Cách khắc phục: Trước tiên, để tránh hiện tượng vênh, co ngót, rạn nứt cửa cần lựa chọn loại gỗ tốt để làm cửa. Gỗ tốt được hiểu là các gỗ nhóm 1, 2 hoặc 3, được xử lý ngâm tẩm chống giãn nở, cong vênh kỹ bằng các hoá chất chuyên dụng, có thời gian phơi khô đủ theo tiêu chuẩn. Thông thường các loại gỗ tốt có thể dùng làm cửa là lim, xoan đào, dổi, …
    • Cửa khi tiếp xúc với nắng mưa thường xuyên cũng rất dễ bị cong vênh, co ngót. Nên ở các hướng nắng lắm mưa nhiều nên làm thêm phần ô văng che mái cửa.
    • Để tránh cửa bị sệ cánh nên lưu ý một số điểm: cánh cửa không nên làm quá lớn. Thường cánh cửa sổ nên rộng từ 60 - 80 cm là vừa. Ở các góc cửa nên có các ke vuông bằng thép chống gỉ, nhằm đỡ cho các khung cửa luôn ở dạng vuông góc với nhau, tránh sệ cánh. Ở các vị trí bản lề, nếu cửa bị sệ có thể chỉnh bằng các long đen đệm.
    • Nếu trong điều kiện cần thiết, có thể thay thế cửa gỗ bằng các loại cửa nhựa, cửa nhôm kính.

7. Nhà bị nồm, ẩm:

  • Hiện tượng: Các ngôi nhà có nền men, kính đều bị ướt và trơn trượt, quần áo giặt rất lâu khô, chăn màn khi sờ vào đều có cảm giác dính ướt. Nếu trời ẩm hơn nữa, các bức tường sơn cũng ướt nhẫy, cầu thang đá granito sẽ trơn trượt, rất dễ bị ngã.


  • Nguyên nhân: Nồm ẩm là hiện tượng đọng sương bề mặt do gió nồm chứa hàm lượng nước cao thổi vào nhà mang theo hơi nước
  • Cách khắc phục: Dân gian có một số biện pháp chống nồm như lót nền bằng bao xi măng, đổ xỉ than… khi xây dựng, nhưng vẫn không chống được nồm bởi độ ẩm theo không khí vào nhà.
    • Biện pháp dùng vôi để ở góc nhà ít có tác dụng và chỉ giải quyết được trong phạm vi nhỏ
    • Có thể hạn chế nồm ẩm bằng cách:
    • Nếu biết độ ẩm không khí tăng cao, sương mù nhiều, hãy đóng kín cửa, bịt các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Nếu mở cửa cho thoáng, bạn sẽ làm nhiều không khí ẩm vào nhà và độ ướt nhẫy càng cao.
    • Khi đã bị không khí ẩm vào nhà rồi, ngoài việc đóng kín cửa, nên dùng thêm biện pháp cưỡng bức là mở máy điều hòa 2 cục hoặc máy hút ẩm để khử ẩm.
    • Muốn tránh nồm ẩm, khi xây nhà mới, nên dùng các loại vật liệu xốp, thô mộc truyền thống.
    • Với các trang thiết bị điện tử, điện thoại khi trời ẩm nên làm nóng máy để bốc hơi nước hoặc dùng máy sấy để sấy khô. Với máy tính, ti vi, hãy mở liên tục để chống ẩm cho chân bóng, màn hình. Với máy photocopy, nên dùng máy sấy xì vào các núm điều khiển. Các loại máy móc khác như máy ảnh cần đặt thêm gói hút ẩm để không bị mốc ống kính.
    • Một phương pháp hiệu quả khác để chống nồm là dùng các giải pháp cấu tạo thích hợp để giải quyết kỹ yêu cầu cách nhiệt nhằm nâng nhiệt độ mặt sàn cao hơn nhiệt độ điểm sương của không khí một cách nhanh chóng, tức thời, đồng thời cách lượng nước được mao dẫn từ lòng đất lên, thoát được nước ngưng tụ trong kết cấu sàn. Có thể tham khảo một số giải pháp như sau:
    • Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp cát khô dày 200 - 300 mm, có thêm lớp bi tum cao su, xi măng - cát vàng cách nước ngưng tụ, do đó kết cấu sàn có khả năng chống nồm hiệu quả hơn.
    • Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp xỉ lò cao dạng hạt dày 100 - 200 mm
    • Mặt sàn bê tông lưới thép mặt Granito 400 x 400 x 20 mm có thêm chân cao 20 mm tạo thành lớp không khí kín (20 mm) làm lớp cách nhiệt cho mặt sàn
    • Mặt sàn bằng gỗ lim (hoặc gỗ dán, paket…) được đặt trên dầm gỗ cao 20 mm tạo thành kênh không khí kín (20 mm) làm lớp cách nhiệt cho mặt sàn
    • Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp polystirol cường độ cao có γ = 35 - 50 kg/m3, dày 20 mm, có 2 lớp cách nước bằng bi tum cao su.
    • Sàn nhà được cách nhiệt bằng vật liệu cách nhiệt hỗn hợp: một lớp gạch xốp cách nhiệt γ = 400 - 700kg/m3; λ = 0,08 : 0, 13 kcal/m.h. 0C; dày 20 mm và mọt lớp Polystirol cường độ cao γ = 35 - 50 kg/m3; dày 15 mm, giữa các lớp là keo dán; có một lớp cách nước bằng bitum cao su.
    • Mặt sàn bằng bê tông lưới thép mặt granito 400 x 400 x 20 mm. Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp xỉ lò cao dạng hạt có γ = 700 - 900 kg/m3; λ = 0,15 - 0,19 kcal/m.h.0C, dày 100 mm.
    • Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp gạch rỗng 4 lỗ chữ nhật có γ = 715kg/m3; độ rỗng > 48%; kích thước 300 x 200 x 105 mm; cách nước mao dẫn từ lòng đất công trình lên bằng lớp xi măng - cát vàng, mác > 75, dày 400 mm và lớp bi tum cao su.
    • Trên lớp đất nện, dưới lớp bêtông gạch đá có thể thêm lớp cát khô đm kỹ dày > 100 mm hoặc đá cuội làm lớp đệm của nền để thoát hết nước. Khi thi công chỗ tiếp giáp giữa mặt sàn và tường cần vén thêm lớp xi măng - cát vàng mác cao, hoặc một phần viên gạch lát sàn (cao 100 mm), hoặc lớp sơn bi tum cao su để cách nước mao dẫn từ lòng đất công trình lên ngấm vào kết cấu sàn, tường.

8. Kính bị mốc:

  • Hiện tượng: Với nhiều người kính đồng nghĩa với độ bền vì nó khiến người ta liên tưởng đến kính cửa sổ hoặc những vật đã tồn tại hàng thế kỷ trước đây. Vì vậy người ta ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều tác nhân dễ làm nó bị mốc và hỏng. Cho nên cần chăm sóc lau chùi thường xuyên để giữ gìn vẻ trong suốt của nó.


  • Nguyên nhân: Kính có khả năng chịu được các axit nhất chỉ trừ axit phốtphoric và axit hydroflohydric, 2 loại axit này được dùng để khắc kính trang trí. Dung dịch alkali có độ PH lớn hơn 7 có thể làm hỏng mặt kính. Ví dụ để nước chảy trên các tấm bêtông, vữa chảy vào kính, dầu bôi trơn, một số chất tẩy, bụi tại công trình xây dựng hay đơn giản bụi bám lâu ngày vào kính. Kính có thể bị nước làm hỏng vì bề mặt kính có thể hấp thụ một lớp ẩm mỏng. Do đó các ion sodium trong thuỷ tinh sẽ trao đổi với nguyên tử hydro trong nước để tạo thành lớp alkaly mỏng. Nếu lớp này không được lau đi nó sẽ tạo thành vết nước trên bề mặt kính rất khó lau và có thể trở thành vết bẩn vĩnh viễn khiến bề mặt kính trở nên ráp, sờ tay vào thấy không nhắn.
    • Trong quá trình lưu chứa giữa các tấm kính có thể hình thành một lớp ẩm mỏng. Nếu kính bị ẩm hoặc ở trong môi trường có độ ẩm cao dễ tụ sương sẽ gây hỏng do ẩm. Kính cũng dễ bị xước và vỡ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, ghép, lắp dựng và làm sạch. Ngoài ra đĩa mài, hay hàn cũng có thể tạo thành lỗ trên mặt kính. Kính cũng dễ bị nứt do nóng lạnh đột ngột bởi nó dẫn nhiệt kém. Tuy nhiên riêng với kính tốt hoặc kính gia nhiệt không dễ bị nứt.
  • Cách khắc phục: Kính phải tránh bị ẩm trong quá trình lưu kho tại nhà máy hoặc công trường xây dựng. Ngoài ra không để nó dính vôi, vữa, sơn hoặc bêtông. Cửa sổ phải che băng dính hoặc vải nhựa thích hợp cho đến khi quá trình sơn và xây trát hoàn thành.
    • Làm sạch đúng cách
    • Muốn kính bền cần rửa sạch và lau khô. Dung dịch rửa phải phù hợp hàm lượng chất tẩy thấp. Điều quan trọng cần nhớ là lau khô kính sau khi rửa bằng khăn sạch. Nên nhớ để kính ướt tức là làm bẩn kính.
    • Vết dầu và hợp chất dán kính phải được lau sạch bằng dung dịch phù hợp như xylen, toluên hoặc meths trước khi rửa xả. Cần lưu ý rằng chất tẩy dùng được cho sơn hoàn thiện cửa sổ, miếng đệm hoặc sealant của hệ cửa.
    • Lau cửa sổ tốt nhất không để ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào; khu vực nông thôn 6 tháng lau một lần, còn thành thị 3 tháng một lần. Với vùng biển và khu công nghiệp lau 1 đến 2 tháng /lần. Đối với công trường xây dựng cần lau ngay khi quan sát thấy có lớp bụi hình thành nhưng không bao giờ ít hơn hai tháng
    • Xử lý mốc kính
    • Nếu bề mặt bị vết không rõ lắm dùng nước tẩy vết bẩn chuyên dùng. Đó là giẻ ráp và dung dịch có chứa cerium oxit, tuy nhiên vẫn cần phải thử lên một vùng nhỏ trước khi làm sạch để tránh bị xước. Nếu bề mặt bị bẩn, hỏng nhiều, cần dùng dung dịch đặc biệt như Antiris hoặc Clearshield. Nếu những thứ trên không có tác dụng thì nên thay tấm kính khác.
    • Bê tông, vữa, hồ mà chót dính vào kính thì cần lau ngay trước khi nó đông cứng lại vì nó rất khó lau sạch mà không làm hỏng kính.
    • Silicone sealant có thể làm sạch bằng chất tẩy silicone chuyên dùng hoặc một dung dịch đặc biệt như Solvit NC, tuy nhiên cần lưu ý rằng chất tẩy trên không ảnh hưởng đến sơn hoàn thiện cửa sổ, miếng đệm hoặc sealant của hệ cửa.

9.  Nhà ẩm mốc:

Khi lớp chống thấm bị phá huỷ sẽ gây ra những hư hại cục bộ một cách tự nhiên. Nước ở trong lòng đất thẩm thấu qua tường của bộ phận nhà nằm sâu dưới mặt đất phá huỷ lớp vữa trát ngoài của vật liệu bảo vệ và cả các khối xây bằng đá do hiện tượng mao dẫn bên trong thấm ra bên ngoài của nhà.

  • Hiện tượng: Trên tường nhà xuất hiện nhiều mảng mốc màu đen, hoặc các vết lốm đốm màu trắng


  • Nguyên nhân: Khi lớp chống thấm bị phá huỷ sẽ gây ra những hư hại cục bộ một cách tự nhiên. Nước ở trong lòng đất thẩm thấu qua tường của bộ phận nhà nằm sâu dưới mặt đất phá huỷ lớp vữa trát ngoài của vật liệu bảo vệ và cả các khối xây bằng đá do hiện tượng mao dẫn bên trong thấm ra bên ngoài của nhà.
    • Sự tác động thường xuyên của hơi ẩm lên các kết cấu gỗ (dầm, cột và các kết cấu chịu lực khác) dần dần sẽ xuất hiện các mảng “nấm mốc nhà” và chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể phá hoại được các kết cấu đó. Nấm mốc phát triển rất nhanh và xâm nhập vào bất kỳ loại vật liệu xây dựng nào một cách dễ dàng.

    • Sự ẩm ướt thường xuyên kết hợp với nhiệt ở các phòng tầng hầm và nửa tầng hầm tạo điều kiện cho việc xuất hiện các mảng mốc màu đen.
    • Chúng ta thường nhìn thấy trên tường của các công trình cũ và cả mới những vết lốm đốm màu trắng - đó là các loại muối có hại như nhóm Clorua, Sulfat và Nitrat. Các muối này có đặc tính rất đặc biệt là chúng có thể hút ẩm ngay cả trong không khí, tích tụ rồi lại nhả hơi ẩm ra. Khi quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra các muối có dạng tinh thể. Sự liên kết các tinh thể của muối mới với các tinh thể của muối đã có sẽ dẫn đến việc phá huỷ các vật liệu của tường, tức là làm cho lớp trát tường bị bong tróc, lớp vữa xây tơi bở, gạch và các loại vật liệu làm tường khác cũng đều bị phá huỷ.
  • Khắc phục: Thông thường thì mọi vật liệu xây dựng đều có các mao quản với đường kính từ 20-40 Micromet và nước sẽ thẩm thấu qua các mao quản này. Để lấp kín mạng mao quản trong các khối xây bằng gạch, người ta thường sử dụng loại bitum đặc biệt và vữa chống thấm. Song, cùng với thời gian, trong các công trình đã xây dựng lâu ngày, lớp chống mao dẫn cũng mất dần tính chất và công dụng của nó.
    • Ngày nay, khi sửa chữa, tôn tạo các công trình cũ để ngăn ngừa khí ẩm từ đất lên theo các mao quản ở trong tường, người ta đặt các tấm chắn bằng kim loại cứng hoặc khoan các lỗ. Các lỗ này có đường kính 30mm được khoan chếch 30 độ cách nhau 15cm dọc theo bề mặt của tường trên một cốt nhất định và có độ sâu bằng chiều dày của tường trừ đi 8cm. Sau đó, các lỗ được lấp dưới một áp lực bằng loại dung dịch đặc biệt cho đến khi các mao dẫn bão hoà. Thường thường thì quá trình này cần được thực hiện ít nhất là 3 lần. Sau khi các lỗ đã lấp đầy dung dịch cần được lau sạch. Dung dịch sẽ biến vữa xây trong tường thành hợp chất silic không hoà tan và lắng đọng trong các mao quản làm cho chúng hẹp lại hoặc bị lấp đầy hoàn toàn. Như vậy là lớp chắn mao dẫn sẽ trở thành lớp chống thấm và khí ẩm không còn khả năng thẩm thấu lên trên.
    • Việc xây dựng các màn chắn kiểu như vậy có thể được thực hiện theo một số phương án như sau:
    • Màn chắn có thể xây dựng ở bên ngoài nhà cao hơn mặt đất để ngăn chặn khí ẩm từ đất lên. Việc làm cho khối xây nằm dưới màn chắn luôn khô ráo là khó có thể đảm bảo được, nên trong trường hợp này thì mặt trong của tường và phần chân tường nhô ra ngoài cần được gia cố bằng loại vữa đặc biệt
    • Màn chắn có thể bố trí ở chân tường phía bên trong của các phòng tầng hầm cùng với lớp chống thấm ở phía ngoài, như vậy bề mặt của tường luôn giữ được khô nếu lớp chống thấm bên ngoài không bị phá huỷ hoặc khi cần có thể sửa chữa lại. Trong trường hợp này nước ngầm cần được dẫn về một hệ thống tiêu nước thường xuyên
    • Màn chắn có thể bố trí ở phía ngoài cùng với lớp chống thấm ở phía trong, trong điều kiện có sự tác động của nước dưới một áp lực nào đó
    • Màn chắn có thể bố trí trên mặt thoáng của nước đối với trường hợp có nước ngầm và nước đọng thường xuyên. Trên bề mặt của tường cần phủ một lớp chống thấm đàn hồi bên trong và để tránh hiện tượng ngưng tụ của hơi nước cần phải trát một lớp vữa đặc biệt bên ngoài.
    • Khi tường của tầng hầm là các khối xây kép, tức là độ dày của tường từ 1m trở lên thì màn chắc cần được bố trí cả bên trong và bên ngoài của nhà
    • Khi sửa chữa các tường dày thì việc xây dựng các màn chắn sẽ không kinh tế. Trong trường hợp này nên sửa chữa các lớp trát tường bên trong và bên ngoài nhà
    • Khi sửa chữa và phục hồi các ngôi nhà cũ và điều kiện thực tế không cho phép giải phóng các mảng tường lớn khỏi các hạt muối có hại thì áp dụng phương pháp đặc biệt để làm vệ sinh lớp trát tường, cụ thể là trên bề mặt của tường gạch đã được làm sạch khỏi vữa trát và sơn, người ta dùng một loại hoá dược đặc biệt phun xịt lên để biến đổi các muối clorit và sunphát bám trên bề mặt thành muối không hoà tan. Sau khi hoá dược đông cứng và những chỗ trong khối xây bị muối phá huỷ nặng người ta tiến hành trát lớp vữa mới có thêm phụ gia đặc biệt.
    • Trước khi tiến hành sửa chữa nhà và công trình một cách có chất lượng thì đương nhiên là phải thực hiện việc phân tích các hư hại một cách tỷ mỉ. Các kết quả phân tích phải thể hiện được các số liệu về hiện trạng kỹ thuật của nhà và công trình, vị trí của chúng, mực nước ngầm, trạng thái sử dụngg nhà ban đầu và sau này cũng như các yếu tố khác nữa. Trạng thái kỹ thuật của nhà phải được phân tích ở phòng thí nghiệm như: Lấy mẫu gạch-vữa xây, vữa trát và từ các vật liệu xây dựng khác để xác định hàm lượng phần trăm của muối, độ ẩm, các mao quản…Việc phân tích cho phép đề ra các giải pháp cụ thể để tiến hành công tác sửa chữa, phục hồi sau này một cách đồng bộ cũng như xác định được nơi nào thì cần phải xây dựng màn chắn, nơi nào cần phải áp dụng các biện pháp khác để chống khí ẩm xâm nhập vào các kết cấu của nhà…

10. Xử lý dột mái tôn:

  • Giới thiệu:
    • Việc sử dụng mái tôn đem lại hiệu quả cao (thi công nhanh, giá thành hạ...) khi xây dựng các nhà máy sản xuất, kho hàng, siêu thị ... Tuy nhiên, tại một số công trình không tránh khỏi hiện tựơng dột, gây nhiều phiền toái, thiệt hại cho chủ sử dụng. Qua theo dõi và nghiên cứu hiện tượng dột mái tôn tại một số công trình chúng tôi phát hiện ra một số nguyên nhân gây lên hiện tượng này như sau:
      • Dột từ những mũ đinh
      • Do joint cao su tại bộ phận mũ đinh bị lão hóa, muc
      • Do lực hút của gió mũ đinh bị bật lên dẫn đến hở goăng
      • Dột từ những vị trí nối tôn, nhất là phía cuối mái (mối nối dọc-song song với xà gồ, mối nối ngang -vuông góc với xà gồ ) do độ dốc mái nhỏ (60 m) , lưu lượng nước lớn phía cuối của mái , nước thoát không kịp gây tràn vào cáo vị trí nối phía cuối mái
      • Dột từ những vị trí tôn bị thủng lỗ, kém chất lượng
      • Tại các vị trí mũ đinh và chỗ trũng bị đọng nước trên mái tôn, tôn bị sét, rỉ, mục
  • Đã có một số nhà thầu tham gia xử lý dột mái tôn nhưng hầu hết không đem lại hiệu quả cao, thường xuyên bị dột lại, mà nguyên nhân chính là sử dụng vật liệu có độ bền kém khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và phương pháp chưa lường hết các yếu tố gây nên hiện tượng dột (gió, trũng, độ dốc mái ít ...). Là một doanh nghiệp chuyên sửa chữa các công trình xây dựng, sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, chúng tôi đã thành công với phương pháp chống dột mái tôn bằng keo hai thành phần.

 

  • Vật liệu: TX911

 

 

- Đặc điểm cơ bản: Có độ bền cao khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sự thay đổi thời tiết (có khả năng chống lão hóa). Đây là đặc điểm mạnh của loại keo này bở chúng có 2 thành phần A và B, thành phần A là polyme và thành phần B là nhựa bitum. Hai thành phần này trộn với nhau cho ra hợp chất bền dưới ánh nắng mặt trời và có sự co ngót lớn.

- Loại keo bám dính tuyệt hảo: có khả năng bám dính rất mạnh lên các bề mặt bêtông, tôn sau khi đã lão hóa.

- Độ dẻo rất cao: màng keo có thể chịu được sự co ngót của mái tôn mà không bị nứt, xé

- Phù hợp với mọi hình dạng của mái tôn: keo có dạng lỏng do đó rất phù hợp khi thực hiện

  •   Phương pháp:

 

  - Bước 1: Khảo sát hiện trạng dột: Xem xét hiện trạng dột để từ đó đưa ra vị trí xử lý (chỗ nào xử lý mũ đinh, chỗ nào xử lý mép chồng mí giữa 2 mái tôn, chỗ nào cần thay tôn). Trong khi xem xét hiện trạng, điều tra kỹ  các hiện tượng sau:

 

* Vị trì và mức độ

* Tình trạng rỉ tôn

* Tình trạng trũng mái tôn (đọng nước)

* Chiều dài 1 mái tôn để tính độ dốc (từ đỉnh mái đến sênô thoát nước)

* Hiện tượng ăn mòn mái tôn (nếu có).

* Mục đích sử dụng của công trình.

- Bước 2: Chuân bị bề mặt tôn: Bề mặt phải khô ráo, sạch sẽ (nếu không phải dùng giẻ lau cho khô), những vị trí bị rỉ phải đánh rỉ hoặc thay tôn

- Bước 3: Quét vật liệu chống thấm TX911

* Quét lớp keo thứ nhất lên các vị trí cần chống dột.

* Dán lớp lưới chịu lực ngay sau khi quét lớp thứ nhất.

* Quét lớp keo thứ hai ngay sau khi dán lớp lưới.

* Đi kiểm tra chất lượng sau khi quét lớp thứ hai (xem có hở lưới hay không).

* Quét lớp keo thứ ba tại các vị trí bị hở lưới (nếu có).

 Cách khác để chống dột mái tôn:

* Dùng khăn ẩm lau sạch bụi bẩn  trong diện tích  tôn cần quét chống thấm , tại những vị trí tôn bị rỉ sét mức độ nhẹ phải dùng bàn trải sắt đánh sạch

* Quét  lớp  chống thấm  1

* Dán lớp lưới thủy tinh lên lớp chống thấm 1

* Quét  lớp chống thấm 2

* Phạm vi chống dột  : từ vị trí giao nhau giữa 2 tấm tôn sang mỗi bên 1 múi tôn  (rộng khoảng 0.2m ); tại vị trí đinh vít; tạo lớp chống dột với đường kính 0.1m.

 

  Bài viết khác
   » Kiến thức xây dựng công trình
 » Nội thất công trình
 » Documentary movie
 Lượt truy cập: 18589263
 Đang truy cập: 4
Địa chỉ 1: 111/36 đường Xóm Chiếu, P 16, Q4                               Địa chỉ 2: 47-57 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp HCM
Địa chỉ 3: số 3 lô A, 160 Nguyễn Văn Quỳ, P Phú Thuận, Q7         Điện thoại: 0909 491 334, đường dây nóng: 0909 207 578
Website: www.sicom.com.vn - Email: info@sicom.com.vn